Đô thị biển đảo đang vươn mình mạnh mẽ
Ngày 14.3, UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức lễ công bố Quyết định số 199/QĐ-TTg ngày 21.1.2025 của Thủ tướng Chính phủ công nhận thành phố Phú Quốc là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Kiên Giang. Trước đó, Thủ tướng cũng đã có Quyết định 150/QĐ-TTg phê duyệt đồ án quy hoạch chung thành phố Phú Quốc đến năm 2040. Quyết định này xác định Phú Quốc là “đô thị biển đảo có sức hấp dẫn”, đạt tiêu chuẩn đô thị loại I.
“Phát triển thành phố Phú Quốc trở thành một đô thị biển đảo; trung tâm dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng chất lượng cao, có bản sắc, có sức hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế; trung tâm thương mại, dịch vụ và trung tâm chăm sóc sức khỏe, điều dưỡng ứng dụng công nghệ cao tầm cỡ khu vực và quốc tế; trung tâm chính trị - văn hóa; không gian sống có chất lượng và gắn bó của người dân trên đảo; phát triển đô thị theo hướng tăng trưởng xanh, thông minh, tiết kiệm năng lượng và thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo nguồn lực cho đầu tư phát triển...”, Quyết định nêu.
Cách phát triển đô thị của Phú Quốc hiện nay đang hướng đến những hình ảnh hào nhoáng giả tạo, coi nhẹ mục tiêu nâng tầm giá trị thiên nhiên. Ảnh: KUBA
Phát biểu tại lễ công bố, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết Phú Quốc được công nhận đô thị loại I không chỉ là niềm tự hào của riêng Phú Quốc và Kiên Giang, mà còn là niềm vui chung của cả nước khi chứng kiến một đô thị biển đảo vươn mình mạnh mẽ, khẳng định vị thế quan trọng, tiềm năng to lớn trên bản đồ phát triển du lịch của Việt Nam và thế giới. Phó Thủ tướng lưu ý Phú Quốc đang đứng trước những thách thức không nhỏ như tăng dân số cơ học nhanh, tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ gây áp lực lên hạ tầng kỹ thuật và xã hội, nguy cơ ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu…
“Phú Quốc cần phát huy tối đa tiềm năng lợi thế, đẩy mạnh phát triển kinh tế biển với hệ sinh thái kinh tế du lịch, cảng biển và nuôi biển. Trong đó du lịch là mũi nhọn, hướng tới du lịch xanh, bền vững, kết hợp hài hòa giữa khai thác và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường biển đảo...”, Phó Thủ tướng chỉ đạo.
Thành phố đảo đang khủng hoảng bản sắc
Chuyên gia quy hoạch TSKH - KTS. Ngô Viết Nam Sơn cho biết bảo tồn thiên nhiên là vấn đề rất quan trọng với Phú Quốc, tiếc là hướng phát triển hiện nay của thành phố đảo đầu tiên của Việt Nam này lại bê tông hóa nhiều và theo tư duy mét vuông (xây dựng quá dày đặc, bớt các chỉ tiêu chất lượng sống).
Báo chí đã từng phản ánh thực trạng rừng bê tông chắn kín bờ biển Phú Quốc. Trong ảnh: mật độ xây dựng dày đặc của một dự án trên bãi Trường thuộc xã Dương Tơ. Ảnh: Znews
Với cách này, Phú Quốc có nguy cơ sẽ ngày càng ngập nặng dù bao quanh đảo là biển. Nhiều dự án đầu tư lớn ở Phú Quốc mạnh ai nấy làm, thiếu sự phối hợp chung để đảo trở thành điểm đến hấp dẫn hơn. Thành phố đảo này đang bị khủng hoảng về bản sắc. Chính quyền và nhà đầu tư của Phú Quốc đã bỏ qua cơ hội sáng tạo kiến trúc mang dấu ấn riêng nhằm tạo bản sắc độc đáo cho Phú Quốc. Nhiều chủ đầu tư chọn cách làm “mì ăn liền” là làm du lịch kết hợp kinh doanh địa ốc, sao chép hình ảnh kiến trúc châu Âu để phát triển nhanh dự án. Chiến lược sai lầm này tuy có thể tạo chút tò mò đối với những người chưa từng đi nước ngoài nhưng đối với khách du lịch cao cấp, họ sẽ chọn đến châu Âu để tham quan bản gốc chứ không đi Phú Quốc để nhìn đồ giả.
Cũng theo ông Sơn, khách du lịch ít hứng thú đi Phú Quốc còn vì giá cả đắt đỏ nhưng dịch vụ không tương xứng so với Thái Lan, Trung Quốc, thậm chí Phan Thiết, Quy Nhơn… Phú Quốc có rất nhiều nhà ở, condotel nhưng đa số để trống, nguy cơ trở thành “đô thị ma” rất lớn. Nhà đầu tư mua nhà nhưng không có khách thuê, cư dân tại chỗ càng không thể thuê các căn hộ cao cấp, bản thân chủ nhà cũng không muốn chuyển ra Phú Quốc sống mà bán đi thì không có người mua. “Cách phát triển đô thị của Phú Quốc hiện nay đang hướng đến những hình ảnh hào nhoáng giả tạo, coi nhẹ mục tiêu nâng tầm giá trị thiên nhiên và tạo dựng nền tảng an cư lạc nghiệp cho dân cư, thiếu chiến lược có tầm”, ông Sơn nhận định.
Một góc thành phố Phú Quốc nhìn từ trên cao.
PGS-TS-KTS. Đỗ Tú Lan (nguyên Phó cục trưởng Cục Phát triển đô thị) đánh giá các đô thị ven biển Việt Nam (đô thị biển đảo, đô thị cảng biển, đô thị du lịch biển…) hiện nay đang phát triển khá nóng, với sự tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, cảng biển, các khu du lịch trung, cao cấp khắp nơi.
“Phát triển nhanh nhất là thành phố Phú Quốc. Chỉ trong thời gian ngắn khoảng 10 năm trở lại đây, các khu vực xây dựng tập trung của Phú Quốc ở phía Bắc và Nam của đảo, cũng như khu vực Bãi Dài đã hiện diện với quy mô lớn. Hạ tầng cơ sở mạnh như sân bay quốc tế, cảng biển cũng được đầu tư đáng kể, kết hợp với điều kiện thuận lợi của khí hậu, đã tạo sức hút du lịch mạnh mẽ. Bên cạnh những mặt tích cực, nhiều đô thị ven biển cũng đang còn một số vấn đề tồn tại”, bà Lan cho biết.
Cụ thể, các đô thị tập trung dành quỹ đất để đầu tư các cơ sở du lịch như khách sạn, khu nghỉ dưỡng dày đặc nhưng rất thiếu các không gian công cộng. Đầu tư dàn trải nên hạ tầng kỹ thuật đô thị không được đồng bộ và đầy đủ. Giao đất phía mặt biển quá mức, gây mất cân bằng và công bằng cho dân cư bản địa. Thiếu thiết kế đô thị do đó nhiều kiến trúc không gian đô thị biển chưa thực sự đẹp, chưa tạo được điểm nhấn và ấn tượng cho đô thị. Một số khu vực đất vàng ven biển đã giao dự án nhưng chậm thực hiện gây lãng phí đất đai đô thị. Khai thác cạn kiệt hệ sinh thái ven bờ, bởi sự tập trung mật độ du lịch quá cao, môi trường xả thải không kiểm soát tốt, ảnh hưởng đến chất lượng vùng biển.
Một số khu vực lấn biển tạo thêm quỹ đất đô thị, du lịch gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái ven bờ, cảnh quan, và không gian chung. Chưa có biện pháp tốt ứng phó với biến đổi khí hậu nên trong thời gian qua đã phải chịu nhiều tác động của thiên tai, bão lũ do biến đổi khí hậu...
Phú Quốc có nguy cơ ngày càng ngập nặng dù bao quanh đảo là biển do phát triển theo hướng bê tông hóa và tư duy mét vuông. Trong ảnh: người dân chuyển đồ khỏi vùng ngập sâu trong trận mưa ngày 17.9.2024. Ảnh: CTV
Một số khuyến nghị đô thị ven biển
Theo TSKH - KTS. Ngô Viết Nam Sơn, phát triển đô thị tại Việt Nam thời gian qua có nguy cơ chung là thiếu bền vững, bê tông hóa nhiều, xâm hại không gian xanh, mặt nước và di sản, dẫn đến hệ lụy là ngập lụt, kẹt xe, mất bản sắc. Con đường sửa sai là phải quy hoạch đô thị theo hướng phát triển bền vững kết hợp với bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ di sản. “Những tiêu chí này phải được đưa vào mục tiêu quy hoạch và chương trình hành động, giúp các đô thị có thu nhập cao và tăng trưởng thật. GRDP thật phải là giá trị tổng sản phẩm sau khi đã trừ đi chi phí xử lý các tác động tiêu cực về môi trường và kinh tế xã hội”, ông Sơn nói.
PGS-TS-KTS. Đỗ Tú Lan cho biết chỉ quốc gia có biển mới có tài nguyên ven biển để phát triển đô thị biển, và mỗi quốc gia có biển cũng chỉ có một không gian giới hạn nhất định, do đó sự cạnh tranh để sử dụng tài nguyên biển, đặc biệt là không gian trực tiếp với biển dễ gây nên sự bất bình đẳng trong xã hội. “Hầu hết những không gian thuận lợi cho cảng biển sẽ được phát triển và xây dựng dày đặc các công trình hậu cảng với quy mô khá rộng, hoặc không gian đẹp thuận lợi cho du lịch cũng được ưu tiên cho các nhà đầu tư du lịch, nhiều khu vực đã bị các công trình khách sạn có quy mô lớn chiếm hết không gian biển, thậm chí cộng đồng dân cư cũng không thể tiếp cận biển của chính địa phương họ” - bà Lan nhận xét và cho biết thêm, thời kỳ phát triển nóng, nhiều thành phố biển trên thế giới cũng thiếu kiểm soát và bị tình trạng nêu trên, hiện cũng đang cải tạo chỉnh trang để khắc phục những bất cập đó. Bà Lan đưa ra một số khuyến nghị về chiến lược phát triển đô thị ven biển Việt Nam nói chung và đô thị biển đảo Phú Quốc nói riêng:
Quy hoạch đô thị ven biển cần đặt trọng tâm phục vụ con người, trong đó có sự cân bằng đảm bảo cho người dân bản địa và khách du lịch. Lựa chọn và phân bố quỹ đất hợp lý hài hòa đối với các mục tiêu kinh tế. Đảm bảo hệ thống không gian công cộng các cấp, bố trí nhiều quảng trường biển lớn, nhỏ cho đô thị. Hạn chế bố trí các công trình mật độ quá dày đặc ven biển. Tăng cường tỷ lệ cây xanh sinh thái cho đô thị ven biển, đặc biệt cần có dải cây xanh phòng hộ bảo vệ bờ biển như một khoảng cách an toàn. Hạn chế đường giao thông cơ giới hoạt động sát biển. Các công trình giao thông và dịch vụ hậu cảng đảm bảo an toàn môi trường cho dân cư đô thị. Dành một số quỹ đất dự trữ phát triển hợp lý.
Bãi Kem - một trong những bãi biển đẹp nhất hành tinh ở Phú Quốc.
Cần có thiết kế đô thị cho đô thị ven biển, đặc biệt là không gian trước biển. Các công trình kiến trúc trước biển cần có thiết kế phù hợp với điều kiện khí hậu và có tính sáng tạo, ấn tượng góp phần cho hình ảnh đặc trưng của đô thị. Xác định các điểm nhấn công trình cho đô thị, đặc biệt là các không gian cửa ngõ, gần cảng biển, trung tâm quảng trường... đảm bảo hiện đại và phù hợp với bản sắc địa phương. Các công trình kiến trúc hướng vào tiêu chuẩn công trình xanh và thông minh. Chú trọng về thiết kế các công trình tiện ích trong đô thị như đèn trang trí, nhà vệ sinh công cộng, trạm kỹ thuật, điểm thu gom rác… đảm bảo tính mỹ thuật. Kiến trúc cầu và cảng biển trong đô thị biển cũng rất cần được sáng tạo đóng góp hình ảnh đẹp và độc đáo của đô thị biển.
Về quản lý đô thị biển, phải kiểm soát chặt chẽ quá trình xây dựng và phát triển đô thị biển, đặc biệt là trục ven biển thông qua quy chế quản lý đô thị đối với toàn đô thị và khu vực cụ thể. Quản lý sử dụng đất, phân loại và phân vùng kiểm soát. Quản lý tầng cao xây dựng và kiến trúc công trình trước biển đảm bảo không gian hợp lý cho toàn đô thị. Quản lý cây xanh công viên đô thị đảm bảo diện tích và chủng loại cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu và thẩm mỹ đô thị. Quản lý môi trường sinh thái đô thị, đặc biệt là môi trường bờ biển, bãi cát và đới bờ, kiểm soát ô nhiễm chất lượng nước biển.
Quản lý hệ thống thoát nước mưa, nước bẩn đảm bảo không làm ô nhiễm vùng biển của đô thị, đặc biệt là vùng cảng biển, cần có biện pháp quản lý về ô nhiễm xăng dầu của tàu bè nơi bến cảng. Kiểm soát các hoạt động lấn biển tự phát và các dự án lấn biển. Kiểm soát các hoạt động dịch vụ ven biển đảm bảo văn minh hài hoà thân thiện.
Tăng cường các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin 4.0 vào công tác quản lý, quản trị đô thị, nhất là hệ thống kiểm soát giao thông đô thị, kiểm soát an ninh, an toàn, kiểm soát các biểu hiện tác động của biến đổi khí hậu, ngập lụt đô thị, xói lở bờ biển, cảnh báo trước cho cộng đồng những biểu hiện của thời tiết, dịch bệnh...
Cần thiết phải có cơ chế riêng cho dải đất ven bờ biển, bởi đây là quỹ đất đặc thù và rất hạn chế - có giá trị kinh tế rất cao. Để tiết kiệm đất và tránh xây dựng dàn trải, cần có tiêu chuẩn về chiều cao công trình ven biển theo cách riêng, có thể xây dựng tập trung rất cao tạo điểm nhấn trước biển, tuy nhiên đô thị ven biển phải có nhiều khoảng cách giữa các công trình. Tiêu chuẩn cho các quảng trường biển và bãi tắm công cộng lớn, nhỏ, với các khoảng cách hợp lý. Có quy định hạn chế giao thông cơ giới đi sát ven biển gây ô nhiễm môi trường và an toàn đô thị. Bổ sung một số quy chuẩn, tiêu chuẩn trong quy hoạch, xây dựng công trình ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu và dịch bệnh...
Phú Quốc khởi động hàng loạt dự án trọng điểm phục vụ APEC 2027. Ảnh phối cảnh
“Đô thị ven biển là đô thị đặc thù, có tiềm năng và cơ hội phát triển kinh tế biển đa dạng. Thương hiệu của mỗi đô thị biển là hình ảnh và ấn tượng về đô thị, được tích hợp từ điều kiện cảnh quan tự nhiên, công trình kiến trúc, bố cục quy hoạch, điểm nhấn công trình, văn hóa bản địa, thái độ dịch vụ, cộng đồng thân thiện, ẩm thực đặc trưng, vệ sinh môi trường, điều kiện hạ tầng xã hội - kỹ thuật, và an ninh an toàn. Trong đó hình ảnh công trình kiến trúc cảnh quan và cộng đồng thân thiện thường để lại dấu ấn nhiều nhất. Các công trình kiến trúc được thiết kế tiêu biểu kết hợp với cảnh quan thiên nhiên đặc biệt của riêng khu vực đó sẽ trở thành hình ảnh thương hiệu của thành phố để quảng bá và là dấu ấn đáng nhớ của đô thị đó”, bà Lan lưu ý.
Đề xuất đặt tên “đặc khu Phú Quốc”
UBND thành phố Phú Quốc ngày 20.3 cho biết đã có báo cáo đề xuất các phương án tổ chức lại các đơn vị hành chính cấp xã thuộc thành phố Phú Quốc. Theo phương án 1, sau khi tổ chức lại đơn vị hành chính xã, phường, Phú Quốc sẽ còn 2 đơn vị hành chính cấp cơ sở, dự kiến đặt tên mới là đặc khu Phú Quốc và đặc khu Thổ Châu. Theo phương án 2, sau tổ chức lại đơn vị hành chính xã, phường, Phú Quốc sẽ còn 3 đơn vị hành chính cấp cơ sở, dự kiến đặt tên mới là: đặc khu Bắc Phú Quốc, đặc khu Nam Phú Quốc, đặc khu Thổ Châu.
Thành phố Phú Quốc có tổng diện tích 589,27 km2, gồm 22 hòn đảo lớn nhỏ. Trong đó, đảo Phú Quốc lớn nhất có diện tích 567 km2, tiếp đó là đảo Thổ Châu diện tích 13,98 km2.